UX Design là thuật ngữ thiết kế được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, các nhà phát triển web và ngay cả khách hàng cũng chưa thực sự đầu tư nhiều vào UX. Họ vẫn theo những phong cách cố định hoặc xu hướng thiết kế như Flat Design, Material Design …
Trong bài viết đầu tiên của chuyên mục UX/UI Design. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về UX Design và những vấn đề liên quan đến UX trong quá trình thiết kế. Những điểm lợi và bất lợi khi áp dụng UX vào thực tế.
UX Design là gì ?
UX Design là thiết kế trải nghiệm người dùng. UX là viết tắt của từ User Experience. Thiết kế chuẩn UX sẽ giúp người dùng dễ dàng cảm thấy thoải mái và tiện lợi khi sử dụng sản phẩm.
UX Design thực tế chỉ là một thuật ngữ nói về thiết kế dựa vào trải nghiệm của người dùng. Trong thực tế hiện tại cụm từ này thường sử dụng trong Thiết Kế Website. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ ngành thiết kế nào thì UX cũng vô cùng quan trọng.
Ví dụ: Mảng thiết kế nội thất nếu áp dụng UX sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn khi sử dụng. Các tiện nghi, tiện ích sẽ giúp người sử dụng cảm thấy tiện lợi hơn. Việc bố trí nội thất, đồ đạc, các phích cắm… nếu được đặt đúng chỗ sẽ giúp người sử dụng cảm thấy thoải mái hơn.
Như vậy, UX có thể sử dụng cho bất kỳ ngành nghề nào liên quan đến thiết kế và lắp đặt. Dù muốn hay không, tất cả những thứ chúng ta gọi là Tiện Nghi hay Tiện Lợi đều có sự liên quan đến UX. Chỉ là chúng ta không muốn nhắc đến nó hoặc không muốn giải thích quá nhiều với khách hàng.
Sử dụng UX trong thiết kế như thế nào ?
Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX – User Experience) là cách một người cảm nhận khi giao tiếp với một hệ thống. Hệ thống đó có thể là một trang web, một ứng dụng trên nền web hoặc phần mềm máy tính. Trong bối cảnh hiện đại, thường được biểu hiện bằng một số hình thức tương tác giữa con người – máy tính (Human-Computer Interaction: HCI).
Các nhà thiết kế UX phải luôn luôn nghiên cứu và đánh giá cách người dùng cảm nhận về một hệ thống. Nhìn vào những vấn đề như tính dễ sử dụng, cách nhận thức về giá trị của hệ thống, tính tiện ích, sự hiệu quả khi thực hiện các tiến trình,…
Nhà thiết kế UX cũng nhìn vào hệ thống con và các quy trình trong một hệ thống. Ví dụ, họ có thể nghiên cứu quá trình đặt hàng của một trang web thương mại điện tử để xem liệu người dùng có thấy quá trình mua sản phẩm từ các trang web dễ dàng và dễ chịu hay không. Họ có thể đào sâu bằng cách nghiên cứu các thành phần của hệ thống con, chẳng hạn như người sử dụng Web có thấy hiệu quả và dễ chịu khi điền thông tin vào các biểu mẫu Web hay không.
Thuật ngữ “trải nghiệm người dùng” được đưa ra bởi Tiến sĩ Donald Norman, một nhà nghiên cứu khoa học về nhận thức. Ông cũng là người đầu tiên mô tả tầm quan trọng của việc thiết kế tập trung vào người dùng (các khái niệm này cho rằng quyết định thiết kế cần dựa trên nhu cầu và mong muốn của người sử dụng).
UX có sứ mệnh quan trọng trong thiết kế. Giúp người dùng cảm thấy thực sự thoải mái khi thực hiện thao tác trên sản phẩm. UX giúp người dùng có niềm tin vào sự chuyên nghiệp và sự đáp ứng chính xác với các kết quả tốt nhất.
Một ví dụ đơn giản: Ngay cả bản thân chúng ta khi truy cập vào bất kỳ website nào đó. Nếu website đó đẹp, dễ sử dụng, thông tin hiển thị dễ hiểu thì đấy là một website có thể tin tưởng được. Còn một website không có đủ thông tin cần thiết, thiết kế xấu và khó sử dụng thì trừ khi chúng ta bắt buộc phải sử dụng mới có thể ở lại lâu.
UX Design có khó áp dụng trong thiết kế không ?
Khó, phải nói là rất khó. Cái khó này đến từ người thiết kế và khó cho khách hàng. Chúng ta phải công nhận rằng một điều rằng nghề thiết kế hiện tại đang có tính cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Sự cạnh tranh này chủ yếu liên quan đến Chi Phí Thực Hiện. Khách hàng là người đưa ra chi phí, nếu họ không muốn chi quá nhiều tiền vào thiết kế thì UX không có chỗ trong quá trình thực hiện.
Thiết kế UX Design nếu làm đúng và đủ thì vô cùng tốn kém và mất thời gian. Còn nếu chỉ làm cho có, cho xong thì lại thực sự đơn giản. Mấy ai có thể chịu chi và chịu chờ đợi hoàn thiện một sản phẩm được áp dụng UX đầy đủ.
Nếu là khách hàng cá nhân, chắc chắn rằng họ không bỏ quá 20 triệu để thiết kế website. Nếu là doanh nghiệp, cũng rất khó để họ bỏ chi phí khoảng 100 triệu để xây dựng hệ thống website. Tất nhiên, có thể bạn đã đàm phán được những dự án cao hơn. Nhưng chắc chắn rằng những dự án như thế thì không hề nhiều.
Bạn đã chịu khó đọc đến đây, nghĩa là cũng sắp được 1000 chữ trong bài viết này. Mình nhận thấy rằng bạn đang muốn tìm hiểu về UX. Mình trân trọng điều đó và Blog Lại Văn Đức sẽ có những bài viết thật chi tiết về UX. Các thuật ngữ và quá trình thiết kế chuẩn UX sẽ được trình bày. Khi đó, bạn sẽ thấy rằng áp dụng UX trong thiết kế sẽ vô cùng tốn thời gian và chi phí.
1. Khó khăn khi áp dụng UX với Designer
Nếu bạn là một Freelancer, bạn làm việc một mình thì việc áp dụng UX đầy đủ cho một dự án gần như là điều không thể. Vì UX rất cần sự đánh giá của nhiều ý tưởng và nhận định từ nhiều luồng suy nghĩ khác nhau. Nếu chỉ đánh giá trên phương diện cá nhân thì kết quả đó chỉ là sự yêu thích và phong cách của một người. Dù bạn có cố gắng hiểu người dùng như thế nào thì cũng rất khó để có được kết quả tốt nhất.
Thời gian cũng là điều quan trọng khi sử dụng UX. Chúng ta cần phải test và thử nghiệm vô số lần, từ những lần thử nghiệm khi thiết kế và thử nghiệm thực tế. Cùng với đó, User Testing (thử nghiệm trên nhiều mẫu giao diện) là thứ mất nhiều thời gian nhất.
Đối với người thiết kế khi nhận được một dự án UX. Khó khăn về con người và thời gian là điều quan trọng cần được giải quyết. Tất nhiên, khi bạn nhận được dự án UX đầy đủ thì chắc chắn rằng kinh phí của dự án sẽ không hề ít.
Mình sẽ không nói về khó khăn cho Kiến Thức UX. Vì bạn đã dám nhận dự án thiết kế UX thì chắc chắn bạn sẽ phải có kiến thức mới dám nhận.
2. Khó khăn khi áp dụng UX với Khách hàng
Khách hàng là người thuê và chi tiền để người thiết kế hoàn thành sản phẩm. Tất nhiên, họ sẽ là người quyết định có áp dụng UX Design vào sản phẩm hay không. Thực tế cho thấy, để khách hàng gật đầu và chi tiền sử dụng UX là vấn đề không hề đơn giản.
Có nhiều lý do khiến khách hàng không sử dụng UX. Ngày trước khi triển khai dự án cho khách hàng mình cũng thường xuyên tư vấn UX và bị từ chối rất nhiều. Các lý do thường gặp như sau:
- Website này tôi chỉ chạy cho một dự án, xong là bỏ (bất động sản).
- Tôi chỉ làm Landing Page thôi thì cần gì đến UX.
- Tôi cần website ngay để sử dụng, chờ làm sao được lâu thế.
- Đắt, quá đắt. Ngoài kia người ta nhận làm web giá 500k đầy.
Bên trên là những khó khăn thường gặp khi tư vấn UX cho khách hàng. Khó khăn chúng ta gặp nhiều nhất là về Kinh Phí. Thực sự để áp dụng UX cho một dự án thiết kế website từ khi bắt đầu đến lúc bàn giao toàn bộ sẽ tốn rất nhiều chi phí. Chưa kể đến chi phí theo dõi luồng người dùng thực tế khi hoàn thành để tiếp tục tối ưu UX trong tương lai.
Mỗi dự án, mỗi khách hàng sẽ có mức chi phí riêng. Vì vậy chúng ta không thể có biểu phí cố định cho thiết kế UX. Cũng chính vì vậy, trong tất cả các bài viết về UX Design mình không thể nói cụ thể chi phí Đắt là bao nhiêu.
Thêm một sự khó khăn nữa là về vấn đề Hiểu. Chúng ta là người thiết kế, đã học về UX thì quá hiểu về nó. Nhưng khách hàng họ không biết gì cả, họ thấy một website nào đó đẹp hoặc họ có bản thiết kế cho website và họ muốn chúng ta Làm Như Vậy. Còn UX hay UI là gì đó thì họ không quan tâm. Cũng giống như bạn được người ta tư vấn bảo hiểm nhân thọ, nhân viên tư vấn có thể nói với bạn cả ngày về bảo hiểm nhưng hiểu được bao nhiêu là ở chính bạn.
Thế Thôi
Bài viết này chúng ta đã tìm hiểu về UX Design là gì. Cùng với đó là những vấn đề liên quan đến UX mà một người làm thiết kế cần phải biết. Có thể bạn đã đọc ở đâu đó tài liệu về UX và bạn thấy rằng có rất nhiều thuật ngữ tiếng Anh khi nói về UX. Nhưng tại Blog Lại Văn Đức thì không sử dụng quá nhiều các thuật ngữ. Bản thân mình sẽ phân tích qua những vấn đề thực tế và trọng tâm.
Các thuật ngữ về UX cũng có rất nhiều. Mình sẽ có các bài viết riêng lẻ để phân tích từng thuật ngữ. Giúp bạn hiểu một cách dễ dàng nhất và sẽ không bao giờ quên những điều cần thiết với UX Design.
Cuối cùng, hãy để lại bình luận của bạn cho bài viết này. Chúc bạn luôn thành công trong cuộc sống và có những thiết kế đẹp chuẩn UX.
Để lại phản hồi